EU áp biện pháp tự vệ tạm thời 3 nhóm sản phẩm thép Việt Nam; Đến 2020, toàn bộ thủ tục trong lĩnh vực XNK sẽ kết nối vào Cơ chế một cửa; Kinh tế Đức bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lo sợ về chiến tranh thương mại
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-10-2017
- Cập nhật : 31/10/2017
Vì sao tập đoàn dầu khí Trung Quốc lao dốc không phanh?
Từ một doanh nghiệp ngàn tỉ USD cách đây 10 năm, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc PetroChina Co. đã mất khoảng 800 tỉ USD giá trị thị trường. Con số khổng lồ này nói lên điều gì?
Thời hoàng kim của dầu khí đã qua khi giờ đây các nước bắt đầu chuyển sang năng lượng sạch - Ảnh: REUTERS
Để dễ hình dung, số tiền 800 tỉ USD lớn đến mức đủ mua tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán ở Ý, hoặc có thể phủ vòng quanh trái đất 31 lần bằng tờ bạc 100 USD.
Theo hãng tin Bloomberg, cú lao sàn của ChinaPetro - được xem là lớn nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới - vẫn đang tiếp tục.
Nếu các đánh giá tài chính là chính xác, cổ phiếu của PetroChina trên sàn Thượng Hải sẽ tiếp tục giảm 16% trong 12 tháng tới.
Các thay đổi lớn trong chính sách kinh tế của Trung Quốc một thập kỷ qua được cho là nguyên nhân khiến cổ phiếu PetroChina rớt thê thảm. Một trong số đó là việc Bắc Kinh dần rời xa mô hình phát triển dựa trên sản xuất hàng hóa.
Cộng thêm việc giá dầu giảm 44% trong 10 năm qua và kế hoạch tham vọng của ông Tập Cận Bình thúc đẩy phát triển xe điện, nên cũng dễ hiểu tại sao giới phân tích tài chính không lạc quan về tương lai của PetroChina.
Lạc quan sao được khi mà cổ phiếu PetroChina đang được giao dịch ở mức cao hơn 36 lần so với dự báo doanh thu 12 tháng.
"Khoảng thời gian sắp tới sẽ khó khăn đối với PetroChina. Ai lại muốn mua một cổ phiếu như vậy?" - nhà phân tích Toshihiko Takamoto thuộc hãng quản lý tài chính Asset Management One, bình luận.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố khác nằm ngoài khả năng kiểm soát của PetroChina. Khi tập đoàn này lên sàn Thượng Hải năm 2007, quả bong bóng giá dầu và thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chực chờ phát nổ, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thì đã cận kề.
Ngày nay, các mảng kinh tế cũ như dầu mỏ không còn sức hấp dẫn đối với giới đầu tư, sự lên ngôi nằm ở mảng công nghệ và công nghiệp tiêu dùng.
Chủ tịch Tập Cận Bình, người xác lập vị thế lãnh đạo lớn nhất Trung Quốc trong vài thập kỷ tại kỳ Đại hội Đảng vừa kết thúc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tăng trưởng thân thiện với môi trường.
Chính quyền Bắc Kinh đang triển khai các chương trình sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới, đồng thời cam kết sẽ giảm lượng khí thải carbon đến năm 2030.
Khi được hỏi liệu có bao giờ PetroChina trở lại thời kỳ hoàng kim 2007 không, ông Andrew Clarke, giám đốc giao dịch hãng tài chính Mirabaud Asia Ltd., trả lời ngắn gọn: "Có thể một ngày nào đó, nhưng tôi chắc là tôi sẽ chết trước khi ngày đó đến".(Tuoitre)
-------------------------
18 doanh nghiệp nhà nước vốn 1, nợ 3
Theo quy định, doanh nghiệp huy động vốn vượt quá mức 3 lần vốn chủ sở hữu phải được sự chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18/91 tập đoàn, tổng công ty có mức huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại tất cả 583 doanh nghiệp (DN) trên cả nước do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Số liệu được tập hợp đến cuối năm 2016.
Lợi nhuận giảm 14%
Bộ Tài chính cho biết tổng tài sản của các DN nhà nước đạt hơn 3 triệu tỉ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015; vốn chủ sở hữu đạt hơn 1,39 triệu tỉ đồng, tăng 4,3%. Năm 2016, tổng doanh thu của khối DN nhà nước đạt 1,5 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 139.000 tỉ đồng. So với mức thực hiện năm 2015, doanh thu của các DN nhà nước giảm 1% nhưng lợi nhuận giảm tới 14%. Nguyên nhân do doanh thu, lợi nhuận của các "quả đấm thép" (7 tập đoàn kinh tế) giảm mạnh; trong khi xét về quy mô, khối này chiếm tới 62% về doanh thu và chiếm 56% về lợi nhuận của DN cả nước.Riêng lợi nhuận của 7 tập đoàn kinh tế giảm tới 25%. Trong khi đó, khối DN nhà nước làm ăn hiệu quả gồm các tổng công ty, công ty mẹ - con và các DN độc lập đều có lợi nhuận tăng từ 4,1%-21% so với năm trước.
Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc PVN - một trong những dự án ngàn tỉ thua lỗ Ảnh: HOÀI DƯƠNG
"Điểm mặt" đơn vị sụt giảm lợi nhuận, Bộ Tài chính cho biết Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giảm 38% lợi nhuận, chủ yếu do giá dầu thô giảm. Đặc biệt, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang từ bảng cân đối tài chính lãi hơn 2.000 tỉ đồng năm 2015 đã quay đầu giảm về mức âm 335,078 tỉ đồng. Nguyên nhân là do phải gánh 4 trong tổng số 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương mà Chính phủ đã phải ban hành cơ chế xử lý đặc biệt. Đó là các dự án Đạm Ninh Bình, phân đạm hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem.
Bộ Tài chính đánh giá hầu hết DN nhà nước vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Các DN nhà nước cũng đóng góp nguồn thu cho ngân sách dù chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách có sự sụt giảm so với năm 2015.
Nhà nước phải trả nợ thay
Báo cáo cụ thể về tình hình tài chính của các DN nhà nước, Bộ Tài chính nhìn nhận dù theo quy định, DN huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18 tập đoàn, tổng công ty trong 91 DN có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu). Tuy nhiên, tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty bình quân còn 0,75 lần.
Tổng số nợ phải trả của các DN nhà nước là hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,22 lần (18 tập đoàn, tổng công ty và 20 công ty mẹ có tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần). Trong đó, có 3 tập đoàn nợ trên 100.000 tỉ đồng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ gần 487.000 tỉ đồng, PVN nợ hơn 338.000 tỉ đồng và Tập đoàn Than - Khoáng sản nợ hơn 100.000 tỉ đồng.
Bê bết nhất là tình trạng của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Trong đó, một số công ty con như Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn là 504,493 tỉ đồng. Vinapaco đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến ngày 1-1-2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay đối với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án nhưng chưa được phê duyệt. Riêng dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam, Bộ Tài chính đã phải ứng ra từ quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay cho Vinapaco 1.610 tỉ đồng để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Hiện nay, nhà nước đầu tư vốn vào DN thông qua 4 hình thức: đầu tư vốn để thành lập mới DN nhà nước; bổ sung vốn điều lệ cho các DN nhà nước đang hoạt động; đầu tư để duy trì tỉ lệ nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên; đầu tư để mua lại một phần hoặc toàn bộ DN. Năm 2016 có 19 bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho 94 DN nhà nước đang hoạt động. Chủ yếu là DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, DN xổ số với tổng mức đầu tư 6.215 tỉ đồng. Số vốn còn phải đầu tư là 9.363 tỉ đồng.
Nguồn đầu tư chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển, ngân sách nhà nước (thông qua thanh - quyết toán các dự án giao cho DN thực hiện), quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN…(NLĐ)
----------------------
Ông Trương Gia Bình nói về 'những việc cần làm ngay' của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết Ban Nghiên cứu sẽ là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, là cầu nối, chia sẻ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại, nhằm tìm ra công thức chung để tạo ra một môi trường thuận lợi hàng đầu châu Á cho kinh tế tư nhân.
Tối 30/10 sẽ diễn ra lễ ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Mai Tiến Dũng.
Trước đó, ngày 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 842 thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban nghiên cứu) của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Sáu thành viên của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân là các doanh nhân hàng đầu Việt Nam, đại diện cho các cơ quan, tổ chức như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính làm Trưởng ban; Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital, Phó chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN (Diễn đàn Kinh tế thế giới) làm Phó ban.
Các thành viên khác gồm: ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, ông Trần Trọng Kiên - thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch, ông Vũ Văn Tiền - thành viên Ban cố vấn VPSF.
Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Gia Bình xoay quanh sứ mệnh của Ban Nghiên cứu.
Theo ông Trương Gia Bình, Ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân được lập ra với ba nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là nghiên cứu và tạo ra một môi trường tốt hơn cho khối kinh tế tư nhân, hướng tới hàng đầu Đông Nam Á và rồi là châu Á. Làm thế nào để xây dựng một môi trường giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi nhất.
Thứ hai là có những đề xuất để kinh tế Việt Nam có vị thế nhất định trên thế giới, ví dụ thúc đẩy công nghệ thông tin sớm đi vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thứ ba là để kết nối các doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm cả khi thành công lẫn thất bại của họ, cũng là để truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau.
"Trước mắt, Ban sẽ là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân làm việc với các hiệp hội để tạo ra một trí tuệ tập thể, nhằm rà soát lại những việc cần làm nhất lúc này. Chứ nếu đặt vấn đề rộng quá thì chúng ta không làm nổi".
Ông Trương Gia Bình chia sẻ bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ban Nghiên cứu sẽ xem xét thúc đẩy phát triển các tập đoàn Việt có thể vươn ra tầm thế giới.
"Vấn đề này sẽ được Ban xem xét, tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng tập đoàn muốn được Nhà nước hỗ trợ thì nó phải có ý nghĩa, không chỉ với bản thân nó mà còn với cộng đồng. Ví dụ, Toyota là tập đoàn Nhật Bản nhưng đã tạo ra muôn vàn công ăn việc làm cho muôn vàn công ty khác trên thế giới", Chủ tịch Tập đoàn FPT nói.
"Chúng ta phải xây dựng được những doanh nghiệp có sức lan toả tích cực như thế. Chứ tập đoàn lớn mà mà không tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp khác nói riêng và xã hội nói chung thì chắc là Ban sẽ không đề xuất, cổ vũ", ông Trương Gia Bình trăn trở.(NĐT)
--------------------------
Đánh thuế lãi tiết kiệm: Tiền đổ sang vàng, USD vì dân không gửi tiết kiệm nữa?
Người dân có thể sẽ chọn kênh vàng và ngoại tệ như một lựa chọn thay thế. Khi đó, rủi ro sẽ lại đến với thị trường vàng và ngoại hối, hai thị trường mà NHNN đã phải tốn rất nhiều công sức để bình ổn những năm qua.
Mới đây, sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo xin ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đã có ý kiến đề xuất nên bổ sung thêm việc đánh thuế lãi tiết kiệm vào dự án luật sửa đổi. Ý kiến lần này đề xuất áp dụng mức thuế suất khoảng 5% đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên.
Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác, hay được chia cổ tức, mới bị đánh thuế 5%, còn các khoản lãi do gửi tiết kiệm vẫn không phải chịu thuế.
Trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Đại biểu Quốc hội - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng không nên tận thu mọi thu nhập của dân, đặc biệt trong bối cảnh người dân chưa đặt trọn niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng hiện nay tiền trong dân rất nhiều, nhưng người dân chỉ gửi kỳ hạn ngắn thay vì gửi kỳ hạn dài tại ngân hàng.
“Cơ cấu huy động hiện nay là ngắn hạn chứ dài hạn là rất ít. Điều đó nói lên rằng người dân chưa đặt trọn niềm tin vào hệ thống ngân hàng và nền kinh tế vĩ mô. Người dân không muốn cho vay dài hạn để có thể rút tiền ra khi có biến động”.
Ông Đỗ Văn Sinh tiếp tục: “Tại sao người ta không bỏ hết tiền vào ngân hàng mà vẫn đầu tư sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản, mặc dù bất động sản có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với gửi ngân hàng”.
Tiến sỹ kinh tế, ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.
Do đó, nếu đánh thuế vào lãi tiết kiệm của người dân, sẽ không kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng, trong khi các ngân hàng đang muốn khơi dậy dòng vốn trong dân.
“Phải cân nhắc giữa hai việc thu được 5% từ lãi suất gửi tiết kiệm với việc người dân không gửi tiết kiệm nữa. Hiện nay toàn bộ tổng tài sản của ngân hàng có đến 90% là huy động tiền của dân. Điều quan trọng là phải để người dân tin thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng là người dân thấy được mức chênh lệch giữa lãi suất và mức lạm phát”.
Trước đó, bình luận về đề xuất này, bà Trần Hải Yến, Chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để đề xuất này được áp dụng ngay vào thực tiễn.
Lý do là bởi đây không phải nguồn thu lớn cho ngân sách, cái lợi thu được là rất nhỏ so với phản ứng của dư luận nói chung cũng như tác động tiêu cực nói riêng có thể gây ra đối với tâm lý của người gửi tiền.
“Đa phần những người chọn lựa kênh tiết kiệm hiện nay ưu tiên tính an toàn hơn là sinh lãi. Họ chấp nhận một mức lãi suất “vừa đủ” với kỳ vọng của họ thay vì rủi ro nên dù bị chịu thuế chưa chắc họ đã dịch chuyển sang các kênh kém an toàn hơn như chứng khoán, bất động sản...”
Kể cả trong trường hợp muốn dịch chuyển dòng tiền, bà Trần Hải Yến cho rằng người gửi tiền có thể cũng sẽ ưa thích kênh vàng và ngoại tệ hơn như một địa chỉ thay thế vì vẫn đảm bảo được sự an toàn cho đồng vốn. Khi đó, rủi ro sẽ lại đến với thị trường vàng và ngoại hối, hai thị trường mà NHNN đã phải tốn rất nhiều công sức để bình ổn những năm qua.
Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, sức khỏe hệ thống ngân hàng mới chỉ ở mức ổn định chứ chưa đủ bền vững để có thể áp dụng ngay càng biện pháp tiềm ẩn rủi ro đối với thanh khoản hệ thống.
“Nếu không được giải thích thấu đáo, đề xuất áp thuế đối với tiền gửi ngân hàng có thể sẽ kích động tâm lý rút tiền hàng loạt của người dân. Khi đó thanh khoản hệ thống có thể sẽ bị tác động mạnh”, bà Trần Hải Yến nói.(Infonet)