Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng đen lên thị trường dầu mỏ; Chiến tranh thương mại có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kế tiếp; Doanh nhân gốc Việt vừa mua trạm cứu hỏa cổ tại Australia
Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-07-2016
- Cập nhật : 23/07/2016
Pháp nêu điều kiện để Anh được tiếp cận thị trường chung EU
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Anh cần thời gian để chuẩn bị cho Brexit nhưng cũng phải lựa chọn chấp nhận các quy tắc về dịch chuyển tự do của EU để được tiếp cận thị trường chung hoặc bị EU áp đặt hạn chế về thương mại.
Anh cần thời gian để chuẩn bị cho tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), tuy nhiên London cũng phải lựa chọn giữa việc chấp nhận các quy tắc về dịch chuyển tự do của khối để được tiếp cận thị trường chung EU, hoặc sẽ bị EU áp đặt một số hạn chế về thương mại. Tuyên bố trên đã được Tổng thống Pháp Francois Hollande đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21/7 tại thủ đô Paris.
Tại cuộc họp báo trên, nhà lãnh đạo Pháp thừa nhận Chính phủ mới ở Anh cần có thời gian để chuẩn bị trước khi bắt đầu thương lượng rời khỏi "ngôi nhà chung", song ông cũng nhấn mạnh tiến trình thương lượng diễn ra "càng sớm càng tốt" vì lợi ích của cả Anh và các nước thành viên EU. Tổng thống Hollande bày tỏ tôn trọng quyết định của người dân Anh chia tay EU, song cũng cứng rắn khẳng định sẽ không có bất cứ cuộc thương lượng nào trước khi Anh chính thức đệ đơn xin rút khỏi EU. Ông nhấn mạnh Anh cần tôn trọng nguyên tắc tự do đi lại của EU nếu còn muốn duy trì là một phần của thị trường chung EU, đồng nghĩa với việc London phải cho phép các công dân EU được tự do vào biên giới nước này.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ mong muốn tiến trình thương lượng về việc Anh rời khỏi EU phải được thực hiện một cách "yên bình, có trật tự và mang tính xây dựng" để có lợi nhất cho cả Anh và các nước EU. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Anh sẽ cân nhắc biện pháp kiểm soát việc đi lại của một số cá nhân từ các nước EU vào Anh, bởi đây là nguyện vọng của đa số người dân Anh đã được phản ánh trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6.
Nhà lãnh đạo Anh cũng bày tỏ mong muốn có thể đạt được thỏa thuận thương mại về hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và các nước thành viên EU bởi bà cho rằng đây là vấn đề quan trọng với cả hai phía. Một lần nữa, bà khẳng định cho đến cuối năm 2016 Anh sẽ không kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon - một thủ tục bắt buộc để bắt đầu tiến trình đưa Anh ra khỏi EU. Nữ Thủ tướng Anh cũng bày tỏ quyết tâm "duy trì quan hệ kinh tế gần gũi nhất có thể" giữa London và Paris sau Brexit.
Pháp là chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Theresa May trên cương vị Thủ tướng Anh. Trước đó, bà đã đến Đức và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Angela Merkel.
Mỹ phẩm Shiseido tham gia sàn thương mại điện tử
Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu làm đẹp đến từ Nhật bán hàng qua kênh online cho người tiêu dùng.
Với việc mở cửa hàng đầu tiên và duy nhất trên nền tảng adayroi.com, thương hiệu mỹ phẩm Nhật chính thức tham gia cuộc chơi kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam.
Đại diện Shiseido Cosmetics Vietnam cho hay, hướng đi này phù hợp với xu thế phát triển của các nhãn cao cấp trên thế giới và nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng trong nước.
Thời gian qua, các ông lớn trong ngành thời trang, mỹ phẩm thế giới chú trọng đến hình thức kinh doanh online. Tại Trung Quốc, Burberry hợp tác với gã khổng lồ Alibaba để tiếp cận thị trường thương mại điện tử nước này và nhanh chóng đạt được những thành công đáng kể. Còn ở Việt Nam, phần lớn các đơn vị bán online đều là thương hiệu tầm trung với quy mô nhỏ lẻ, chưa thu hút các tên tuổi cao cấp.Sự ra đời của cửa hàng trực tuyến Shisedo trên adayroi.com giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm tiện lợi của khách hàng. Theo vị đại diện Shiseido Cosmetics Vietnam, bán hàng trực tuyến là cách hiệu quả để mở rộng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của người dùng thông qua việc tận dụng các lợi thế có sẵn của một trong những website thương mại điện tử được nhiều người biết đến.
Theo đó, cửa hàng của Shiseido sẽ xuất hiện dưới hình thức flagship store (showroom kiểu mẫu). Lợi thế từ Internet còn cho phép cửa hàng trực tuyến cập nhật liên tục, đa dạng nhiều loại mỹ phẩm, chăm sóc da, từ các dòng sản phẩm làm nên thương hiệu của hãng suốt thời gian qua.
Như vậy, ngoài hệ thống cửa hàng đặt tại các thành phố lớn, từ nay, người tiêu dùng có thể tìm mua sản phẩm làm đẹp chính hãng từ Nhật qua hình thức trực tuyến.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2015 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công Thương công bố, doanh thu bán hàng qua hình thức này trong năm 2015 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014. Mức doanh thu này chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trước sự phát triển của Internet, 3G và các thiết bị di động cùng hàng nghìn thẻ ngân hàng được phát hành mỗi ngày, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng bùng nổ. Vecita dự báo doanh thu của thị trường thương mại điện tử thời gian tới còn tăng trưởng mạnh.
Adayroi.com là sàn thương mại điện tử của Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce - một thành viên của Vingroup, chính thức gia nhập thị trường hồi tháng 7 năm ngoái. Website phát triển theo mô hình đại siêu thị điện tử, với tổng lượng hàng hóa lên đến 200.000 sản phẩm, đến từ 4.000 nhà cung cấp trong và ngoài nước, mức độ tăng trưởng 961%.
Các sản phẩm đa dạng, từ giá trị lớn (bất động sản) đến sản phẩm - dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu (thực phẩm, nhu yếu phẩm, thời trang, du lịch, điện tử, đồ gia dụng...). Mỗi tháng có khoảng 140.000 đơn hàng được giao dịch. Các đối tác lớn của sàn trong ngành hàng mỹ phẩm như Vichy, Yves Rocher, Nature Republic, Larochepochay, Paula Choice…
Yên và euro tăng sau động thái của ECB và BOJ
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đã xua tan hy vọng về “tiền trực thăng”.
Phiên 21/7, yên và euro tăng khi giới đầu tư đánh giá lại dự đoán về việc nới lỏng chính sách của BOJ và ECB.
Chốt phiên, USD giảm 1,1% so với yên xuống 105,76 JPY/USD trong khi euro tăng 0,1% so với USD lên 1,1025 USD/EUR.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, giảm 0,3% xuống 87,74 điểm.
Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho biết, hiện “chưa có nhu cầu cũng như chưa thể” tung ra biện pháp hỗ trợ được biết đến là “tiền trực thăng” - một phương pháp tiếp cận mới của chính sách tiền tệ mà trong đó Chính phủ in tiền để tài trợ cho các khoản chi tiêu công hoặc trực tiếp đưa tiền mặt cho người dân mà không thông qua các gói kích thích của ngân hàng trung ương trong bối cảnh ngân hàng trung ương cạn kiệt ý tưởng để kích thích nền kinh tế.
Đồn đoán Nhật Bản có thể áp dụng phương pháp “tiền trực thăng” tăng lên sau khi liên minh đảng cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thượng viện hồi đầu tháng này.
Bình luận của ông Kuroda được đưa ra ngay trước thềm phiên họp chính sách tháng 7 của BOJ vào tuần tới khi BOJ được dự đoán sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua các biện pháp như thúc đẩy các quỹ ETF hoặc mua trái phiếu.
Trong khi đó, euro tăng giá so với USD sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng vẫn phát tín hiệu để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách trong những tháng tới. Giới phân tích và nhà đầu tư dự đoán ECB sẽ tung ra các biện pháp kích thích mới sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU hôm 23/6 vừa qua.
Trong một diễn biến khác về số liệu kinh tế Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4, cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, chỉ số hoạt động nhà máy của Fed Philadenphia trong tháng 7 bất ngờ giảm.
Các số liệu trên được đưa ra sau một loạt báo cáo kinh tế tích cực trong những tuần gần đây đã làm tăng hy vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Fed cũng sẽ nhóm họp vào tuần tới, nhưng được dự đoán sẽ chưa đưa ra hành động nào mới trong cuộc họp này.
Xuất khẩu điện thoại, dệt may đem về nhiều ngoại tệ nhất
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15.7, trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, điện thoại và linh kiện chính là nhóm hàng mang về nhiều ngoại tệ nhất.
Theo đó, trong nửa đầu tháng 7.2016 (từ 1.7-15.7), Việt Nam đã thu được 1,2 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện, giảm 12,7 % so với 15 ngày cuối tháng 6. Tính đến ngày 15.7, xuất khẩu nhóm hàng này đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hải quan Việt Nam, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 đạt hơn 7,21 tỷ USD, giảm 6,2% (tương ứng giảm hơn 477 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6.2016. Tính đến hết ngày 15/7/2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 89,3 tỷ USD, tăng 6,5% (tương ứng tăng gần 5,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng tính đến 15.7, đứng ở vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu, nhóm mặt hàng dệt may thu được hơn 12 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2015. Tiếp theo là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 8,6 tỷ USD, tăng 8,9%; giày dép các loại đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 8,3%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 19,4%....
Theo Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu tháng 7.2016 đạt gần 4,93 tỷ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 375 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6.2016.
Như vậy, tính đến hết ngày 15.7.2016 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 62,25 tỷ USD, tăng 9,8% tương ứng tăng gần 5,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Daikin chi 94 triệu USD xây nhà máy sản xuất máy điều hòa tại Việt Nam
Nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2018 với công suất hàng năm khoảng 500 nghìn máy điều hòa.
Tờ Nikkei cho biết, tập đoàn Daikin Industries (Nhật Bản) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất máy điều hòa không khí tại Việt Nam. Đây là một phần trong chiến lược tận dụng tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng tại đây.
Nhà máy dự kiến được Daikin đầu tư 93,6 triệu USD, đặt trong khu công nghiệp ở ngoại thành Hà Nội do chính phủ chỉ định. Nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2018 với công suất hàng năm khoảng 500 nghìn máy điều hòa. Công suất nhà máy có thể được nâng lên gấp đôi vào năm 2020 tùy vào nhu cầu tiêu thụ.
Daikin vốn nhập khẩu các thiết bị điều hòa cho Việt Nam chủ yếu thông qua nhà máy ở Thái Lan. Tuy nhiên, nhà máy tại Thái Lan đã hoạt động hết công suất từ năm ngoái. Nhu cầu gia tăng tại Việt Nam và các thị trường khác khiến nguồn cung của hãng không theo kịp.
Tại Việt Nam, Daikin đang mở rộng hệ thống các đại lý của hãng. Công ty dự kiến tăng gấp đôi số lượng trung tâm dịch vụ lên con số 30 từ nay đến năm tài khóa 2020.
Theo Nikkei, thị trường máy điều hòa gia đình tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường lớn nhất Đông Nam Á, ước tính đạt tới 2 triệu máy mỗi năm. Doanh số bán máy điều hòa đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 30% mỗi năm và sẽ còn tăng trưởng do thu nhập người Việt đang tăng lên.
Daikin đang nỗ lực thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á giữa bối cảnh thị trường quê nhà và các nước phát triển chậm tăng trưởng. Bên cạnh đó, hãng này còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các hãng Trung Quốc và các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ