Nếu “tư lệnh” Đinh La Thăng nổi tiếng bởi những phát ngôn và mạnh tay “trảm” quân, thì với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh lại có một dấu ấn khác.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 24-02-2016
- Cập nhật : 24/02/2016
Hàng nghìn ha cà phê bị phá bỏ
Sau vụ thu hoạch cà phê cuối năm 2015, giá cà phê tiếp tục xuống mức thấp, nhiều hộ nông dân không còn mặn mà, đã chặt bỏ cà phê để thay thế bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2014 diện tích cây cà phê của toàn tỉnh gần 7.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, tổng diện tích chỉ còn hơn 6.000 ha. Nếu theo đà này, dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng cà phê của tỉnh sẽ chỉ còn khoảng 5.700 ha.
Khảo sát tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích cà phê giảm sút rõ rệt. Không còn những vườn cà phê bạt ngàn, phủ kín từ vườn này qua vườn khác, nhiều vườn cây cà phê biến thành hàng ngàn trụ tiêu.
Tại huyện Châu Đức, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 4.600 ha, tuy nhiên, chạy dọc nhiều tuyến đường, men theo các con hẻm vào hầu hết các xã có diện tích cà phê lớn như xã Xà Bàng, Kim Long, Cù Bị, đa phần những vườn cà phê cũ của nông dân giờ đã biến thành những vườn tiêu, hay chí ít cũng là cà phê xen tiêu.
Ông Trần Thường (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết: “Đầu năm nay, gia đình mới chuyển đổi 1 ha cà phê qua trồng tiêu, bởi vụ vừa rồi giá chỉ còn 30.000 đồng/kg, không đủ trả tiền phân ro, công cán. Mà nghe đâu giá cà phê còn đang xuống tiếp nữa”.
Theo ông Thịnh, nhằm hạn chế tối đa việc bà con nông dân chặt phá cà phê để trồng tiêu vượt ngưỡng quy hoạch, xã luôn khuyến cáo bà con chỉ nên chuyển đổi ở những khu vực đất thích hợp cho cây tiêu, tránh tình trạng chỗ nào cũng chặt, cũng chuyển đổi.
Theo lời ông, dọc con đường vào thôn Quảng Long ít năm trước còn bạt ngàn cà phê. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, cà phê bị chặt bỏ nhiều. Những hộ trước đây làm chuyên cà phê thì bây giờ cũng chuyển sang trồng xen tiêu và một số cây khác.
Tiếp tục đi sâu vào trong, chúng tôi gặp ông Lý Xuân Tắc (thôn Hoa Long, xã Kim Long) đang lúi húi kiểm tra những cây cà phê còn sót lại trong vườn.
Ông cho biết: “Gia đình tôi hàng chục năm nay gắn bó với cây cà phê, làm được gần 2 ha. Tuy nhiên, do giá cả xuống thấp, tôi chỉ còn giữ lại 4 sào cà phê, còn đâu chuyển toàn bộ qua làm tiêu. Mà 4 sào cà phê này cũng chỉ là trồng xen với tiêu, chứ không trồng tập trung nữa”.
Quả thực, càng đi sâu, hỏi thăm nhiều người, ai cũng bảo: “Trước đây cà phê bạt ngàn, nhưng giờ chặt nhiều rồi!”. Mà có để lại, thì theo quan sát của chúng tôi, những vườn cà phê này đều rất còi cọc, thiếu chất dinh dưỡng do hầu hết nông dân đã hạn chế bón phân, tưới nước để giảm chi phí.
Theo thống kê , tại xã Xà Bang, trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây cà phê đã giảm 75%, xuống chỉ còn gần 100 ha.
Tại xã Kim Long, ông Đỗ Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Long cho biết: “Trong những cuộc khảo sát tại nhiều khu vực trong xã gần đây, tình hình nông dân chuyển đổi cây cà phê sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là rất nhiều. Nguyên nhân chính là do giá cả thấp, bà con lỗ vốn nên chuyển đổi. Mặt khác, đa phần diện tích cà phê đã già cỗi, cần phải được cải tạo mới”.
Dầu thô chịu phí bảo vệ môi trường 100.000 đồng/tấn
Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) 35 đồng/m3.
Nghị định cũng quy định cụ thể biểu khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác quặng khoáng sản kim loại (từ 10.000 đồng - 270.000 đồng/tấn); khoáng sản không kim loại (từ 1.000 - 90.000/m3 hoặc tấn).
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng.
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F= [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K.
Trong đó:
- F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;
- Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);
- Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);
- f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra 200 đ/m3;
- f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);
- K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó: khai thác lộ thiên K=1,05 (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông); khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác K=1 (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại).
Nghị định quy định rõ, đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than, không thu phí đến hết năm 2017.
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.
Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.
Phải thu mua ca cao theo thỏa thuận liên kết
Hiện nay, các huyện Tân Phú, Thống Nhất, thị xã Long Khánh... của tỉnh Đồng Nai đang bước vào vụ thu hoạch rộ ca cao của niên vụ 2015-2016.
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cho biết, hiện nay, đang vào vụ thu hoạch giá ca cao đã khôi phục và đứng ở mức cao 70.000 đồng/kg.
Đây là mức giá hạt ca cao đạt kỷ lục từ trước đến nay do cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, thị trường đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao.
Theo ông Đặng Trường Khanh, với dự án phát triển cánh đồng lớn chocây ca cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đang được xây dựng ngày càng bền chặt. Tuy nhiên, để cùng phát triển cây ca cao, ông Khanh chia sẻ: “Doanh nghiệp đã thực hiện dự án liên kết với nông dân để phát triển cây ca cao cả chục năm qua. Khó khăn lớn nhất trong dự án là sự phân chia đồng đều trách nhiệm giữa nông dân và doanh nghiệp”.
Theo ông Khanh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn rất dễ bị phá vỡ khi xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao. Cụ thể, Công ty Trọng Đức ký kết hợp đồng bao tiêu và có chính sách đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định. Nhưng khi có doanh nghiệp bên ngoài “nhảy” vào, trả giá cao hơn để cạnh tranh thu mua, nông dân sẵn sàng phá vỡ liên kết.
“Doanh nghiệp kiến nghị cần có một quy chế chặt chẽ, có tính ràng buộc và quy định trách nhiệm rõ hơn cho từng đối tượng tham gia liên kết; trong đó, cần phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân của hợp tác xã. Để làm được như vậy, hợp tác xã cần phải thay đổi về chất với đội ngũ được đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động”, ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Dự án cánh đồng lớn cây ca cao đang triển khai trên địa bàn Đồng Nai được nông dân rất ủng hộ. Vì Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đang phát triển theo hướng đầu tư chế biến sâu và hiện đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản. Theo đó, công ty có giá bao tiêu sản phẩm cho nông dân cao và sẽ tiếp tục điều chỉnh giá lên theo thị trường”.
Cũng theo ông Phước, tuy có tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp bán ca cao ra ngoài nhưng chỉ là số ít. Nguyên nhân cũng không phải chỉ là lỗi của phía nông dân mà do khâu tổ chức thu mua của tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương chưa tốt. Ở đây, khâu tuyên truyền, vận động nông dân cũng cần được quan tâm hơn, minh bạch hoạt động của hợp tác xã để xã viên hiểu và ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nguyên Lộc (thị xã Long Khánh) lại không lo ngại nhiều về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này. Ông Lộc phân tích, vài năm trước tình trạng thu mua chụp giật trên thị trường ca cao vẫn xảy ra. Nhưng chính nông dân cũng nhận thấy cái “lợi bất cập hại” của tình trạng thu mua chụp giật này nên không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu. Bản thân doanh nghiệp cũng tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tổ chức tốt hơn khâu thu mua với quan điểm cùng chia sẻ lợi nhuận với nông dân.
Ông Lộc cho biết thêm, Công ty đang cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Puratos Grand-Place Việt Nam. Tập đoàn đã đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam chứ không đơn thuần làm kinh doanh nên đang tiếp tục triển khai dự án đầu tư hàng triệu USD để phát triển cây ca cao vào năm 2016. Từ niên vụ 2015-2016, tập đoàn đã triển khai thêm chính sách chia sẻ lợi nhuận với nông dân bằng cách tính thêm điểm thưởng cho nông dân theo hàng quý.
Vì vậy, việc tổ chức tốt khâu thu mua, chia sẻ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh cho nông dân để phát triển mối liên kết bền vững là hướng đi doanh nghiệp đang thực hiện để phát triển cây ca cao theo hướng bền vững.
Chất lượng hồ tiêu Việt Nam ngày càng giảm sút
Chất lượng hồ tiêu Việt Nam đang ngày càng giảm sút khi phải đối mặt với những cảnh báo của các nước nhập khẩu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
Từ giữa năm 2015, giá hạt tiêu đen tại Tây Nguyên liên tục xuống thấp. Sau một thời gian dài luôn ở mức 200.000 đồng/kg, hiện giá hồ tiêu chỉ còn khoảng 150.000 - 155.000 đồng/kg. Bên cạnh nguyên nhân thị trường thế giới đã bão hòa, một phần lý do là vì nông dân quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo an toàn thực phẩm khiến cho các nước nhập khẩu như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu không hài lòng.
Hiện nay, thị trường châu Âu và nhiều nước trên thế giới đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng hồ tiêu. Trong thời gian qua, nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị các nước trả về. Nếu không nhanh chóng chuyển sang thâm canh theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như đã được cảnh báo, trong thời gian tới, ngườitrồng hồ tiêu ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ đón nhận hậu quả nặng nề khi không chú trọng đến chất lượng sản phẩm hồ tiêu do chính mình làm ra.
Dân mất ruộng vì mỏ sắt
25 ha ruộng lúa ở xã Hướng Sơn bị cát bồi lấp, phải bỏ hoang do ảnh hưởng của khai thác quặng sắt ở thượng nguồn. Ảnh: Hoàng Táo
Đứng bên ruộng lúa nằm về thượng nguồn con suối Khe Lệt, anh Hồ Văn Sang (35 tuổi, trú thôn Làng Hồ, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) lòng đầy xót xa vì mặt ruộng chi chít đá sỏi, cát nên phải bỏ hoang.
Anh Sang cho hay, mùa mưa năm 2015, đá sỏi, cát hòa lẫn trong nước suối, kéo từ mỏ khai thác quặng sắt ở thượng nguồn đổ về, khiến nhiều tấm ruộng của bà con thôn Làng Hồ nằm bên con suối Khe Lệt vốn hiền hòa bị phủ lấp bởi cát sỏi.
“Ruộng này do cha tôi khai hoang năm 1982 để lại cho tôi. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ cũng được một tấn lúa, cả nhà đủ ăn quanh năm”, anh Sang nói. Vụ mùa năm nay, bị bồi lấp hơn 0,5 ha ruộng lúa khiến anh Sang băn khoăn lo cái ăn cho vào dịp giáp hạt tháng 5 đến.“Ruộng bị đá sỏi bồi lấp, không canh tác được đành để cỏ mọc mà chưa biết làm gì, trồng gì để bù đắp đây”, anh Sang chậc lưỡi.
Với những tấm ruộng bị bồi lấp nhẹ, người dân mất cả tuần lễ để xúc cát khỏi mặt ruộng mới có thể tiếp tục canh tác. Ảnh: Hoàng Táo
Tương tự, ruộng của ông Hồ Văn Hiền (60 tuổi) trú cùng thôn cũng bị cát sỏi do mỏ khai thác quặng sắt bồi lấp. Ông Hiền cho biết ruộng này ông tự khai hoang hơn 30 năm trước, "là cái ăn của cả gia đình".
Một số hộ dân khác ở thôn Làng Hồ cũng bị bồi lấp ruộng, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Vào đầu vụ, những hộ này mất gần một tuần để xúc toàn bộ lớp cát phủ lấp mặt ruộng mới có thể tiếp tục canh tác.
Về tình trạng mặt ruộng bị cát, đá sỏi phủ lấp khiến không canh tác được, ông Hồ Văn Tà, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho hay, nguyên nhân là mỏ khai thác quặng sắt của Công ty cổ phần công nghiệp thương mại và dịch vụ Hoành Sơn ở đầu nguồn gây nên.
Ông Tà thông tin doanh nghiệp này vào địa phương từ năm 2012 nhưng mất 3 năm để mở đường, chặt cây, san ủi mặt bằng và mới khai thác mỏ quặng sắt trong năm 2015. Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng việc khai thác mỏ ở khu vực núi cao, đầu nguồn nước ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Ngoài việc bồi lấp ruộng, cát sỏi kéo về còn khiến lòng suối Khe Lệt bị cạn, gây nguy cơ thiếu nước hiện hữu ngay trước mùa khô năm 2016.
“Doanh nghiệp này chặt cây rừng, cộng với múc đất nên mưa lũ làm đất cát tràn về ruộng của người dân”, ông Tà nói. Việc chặt cây khiến một mảng đất lớn rộng cả trăm mét ở khu mỏ bị sạt lở. Tại hiện trường, do chưa hoàn thổ nên mặt đất bị đào xới thành nhiều hố nham nhở.Theo thống kê của huyện Hướng Hóa, có tất cả 25 ha ruộng bị bồi lấp, phải bỏ hoang. Kết thúc khai thác thăm dò vào cuối năm 2015, doanh nghiệp này đưa hết máy móc ra khỏi công trường nhưng vẫn chưa hoàn thổ, trồng lại cây rừng như cam kết ban đầu.
“Việc vận chuyển quặng sắt cũng khiến một đoạn đường vào xã Hướng Sơn hư hỏng nặng, khiến huyện chi tiền sửa chữa gần 500 triệu đồng”, ông Hồ Văn Vinh, Phó chủ tịch huyện Hướng Hóa nói.
Vị Phó chủ tịch huyện còn nhận định “việc không san lấp lại vị trí khai thác gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho con người và vật nuôi khi đi qua khu vực này, doanh nghiệp này còn chặt bỏ một số cây ngoài khu vực cấp phép nhưng không trồng lại gây sói mòn, sạt lở nghiêm trọng”.
Huyện Hướng Hóa có văn bản yêu cầu công ty này thực hiện đúng cam kết như trong hồ sơ xin cấp phép khai thác nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trước việc công ty Hoành Sơn đề nghị được tiếp tục cấp phép khai thác quặng sắt tại đây, ông Vinh bày tỏ hoàn toàn phản đối vì việc khai thác ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân.
Trong khi đó, anh Sang và những người dân có ruộng bị bồi lấp chỉ mong muốn doanh nghiệp này "trả lại ruộng cho bà con có cái ăn lâu dài, chứ không cần hỗ trợ hay đền bù".